[PR]上記の広告は3ヶ月以上新規記事投稿のないブログに表示されています。新しい記事を書く事で広告が消えます。
Bài viết Bệnh Covid-19 Nhẹ hay Trung Bình được dịch bởi Bác sĩ Đặng Thanh Tuấn từ bài viết gốc: Mild or Moderate Covid-19
Tuần báo này bắt đầu bằng một trường hợp minh họa làm nổi bật một vấn đề lâm sàng thường gặp. Sau đó trình bày bằng chứng hỗ trợ các chiến lược khác nhau, tiếp theo là xem xét các Hướng dẫn chính thức, nếu sẵn có. Bài viết kết thúc bằng các khuyến cáo lâm sàng của tác giả.
Một bệnh nhân nam 73 tuổi có tiền sử tăng huyết áp và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính gọi điện thoại để báo rằng ông bị sốt (nhiệt độ tối đa 38.3°C) và ho khan trong 2 ngày qua. Ông lưu ý rằng tình trạng khó thở của ông đã trở nên xấu đi. Thuốc hằng ngày của ông ấy bao gồm losartan và glucocorticoids dạng hít. Ông sống một mình. Ông ta nên được đánh giá như thế nào? Nếu ông mắc bệnh coronavirus 2019 (Covid- 19), căn bệnh được gây ra bởi hội chứng hô hấp cấp tính nặng do coronavirus 2 (SARS-CoV-2), vậy anh ta nên được điều trị như thế nào?
Các coronavirus thường gây ra những triệu chứng cảm lạnh thông thường, nhưng hai betacoronavirus là SARS-CoV-1 và hội chứng hô hấp Trung Đông do coronavirus (MERS-CoV) có thể gây viêm phổi nặng, suy hô hấp và tử vong. Vào cuối năm 2019, bệnh nhiễm khuẩn với một loại betacoronavirus mới, sau đó có tên SARS-CoV-2, được báo cáo ở những người đã tiếp xúc với một chợ hải sản ở Vũ Hán (Trung Quốc) chuyên bán động vật sống. Kể từ đó, virus lây lan nhanh chóng dẫn đến đại dịch Covid-19 toàn cầu. Trong bài báo này, chúng tôi thảo luận về biểu hiện lâm sàng và điều trị Covid-19 ở những bệnh nhân bị bệnh nhẹ hoặc trung bình, cũng như phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn. Thảo luận về việc mắc Covid-19 ở trẻ em và phụ nữ mang thai và bệnh Covid-19 nặng nằm ngoài phạm vi của bài viết này.
• Covid-19 (bệnh do SARS-CoV-2) gây ra có rất nhiều các biểu hiện lâm sàng, bao gồm ho, sốt, khó chịu, đau cơ, các triệu chứng tiêu hóa và khứu giác.
• Chẩn đoán Covid-19 thường dựa trên việc phát hiện SARS-CoV-2 bằng xét nghiệm PCR phết mũi họng hoặc mẫu bệnh phẩm khác.
• Đánh giá và quản lý Covid-19 tùy thuộc vào mức độ nặng của bệnh; bệnh nhân mắc bệnh nhẹ thường hồi phục tại nhà.
• Bệnh nhân Covid-19 trung bình hoặc nặng thường phải nhập viện để theo dõi và chăm sóc hỗ trợ.
• Không có liệu pháp đã được chứng minh cho Covid-19; do đó, việc giới thiệu bệnh nhân vào các thử nghiệm lâm sàng là rất quan trọng.
• Các nỗ lực kiểm soát và phòng ngừa nhiễm khuẩn tập trung vào thiết bị bảo vệ cá nhân cho nhân viên y tế, giãn cách xã hội và xét nghiệm.
Coronavirus là những virus RNA được chia thành bốn chi; alphacoronavirus và betacoronavirus đã được biết đến là lây nhiễm cho người [1]. SARS-CoV-2 có liên quan đến coronavirus của dơi và SARS-CoV-1 là loại virus gây ra hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) [2]. Tương tự như SARS-CoV-1, SARS-CoV-2 xâm nhập vào tế bào người thông qua thụ thể angiotensin-converting–enzyme 2 (ACE2) [3]. SARS-CoV-2 có RNA phụ thuộc RNA polymerase và protease chính là mục tiêu của các loại thuốc đang được nghiên cứu.
SARS-CoV-2 chủ yếu lây từ người sang người qua các giọt hô hấp, thường được bắn ra khi người nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi. Do các giọt này thường rơi trong phạm vi vài mét nên khả năng lây truyền sẽ giảm xuống nếu mọi người giữ khoảng cách ít nhất 2 mét. Sự lây truyền được cho là không thường xảy ra thông qua việc hít khí dung (các thành phần của virus lơ lửng trong không khí), nhưng có những lo ngại rằng virus có thể được khí dung hóa trong một số hoạt động (ví dụ như ca hát) [4] hoặc các thủ thuật (ví dụ như đặt nội khí quản hoặc sử dụng máy phun khí dung) và rằng virus có thể tồn tại trong các hạt khí dung hơn 3 giờ [5]. RNA của SARS-CoV- 2 đã được phát hiện trong máu và phân, mặc dù lây truyền qua đường phân-miệng chưa được ghi nhận. SARS-CoV-2 có thể tồn tại trên tấm bìa cứng, nhựa và thép không gỉ trong nhiều ngày [5,6]. Do đó, ô nhiễm bề mặt vật dụng có thể đóng vai trò trong việc lây truyền bệnh [4,7].
Một thách thức lớn trong việc ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2 là những người nhiễm khuẩn trước khi có triệu chứng [8]. Các báo cáo gần đây cho thấy bệnh nhân có thể bị nhiễm khuẩn từ 1-3 ngày trước khi xuất hiện triệu chứng và có thể góp phần tới 40-50% trường hợp lây truyền từ những người không có triệu chứng hoặc trước khi có triệu chứng [4,9]. Ngay trước hoặc ngay sau khi khởi phát triệu chứng, bệnh nhân có nồng độ virus cao trong mũi họng, sau đó giảm đi trong khoảng 1 tuần [10]. Bệnh nhân rơi vào trạng thái nguy kịch có thể bị nhiễm virus trong thời gian dài hơn, mặc dù thời khoảng phát tán virus gây bệnh là không rõ ràng [11].
Thời gian ủ bệnh trung bình, từ khi tiếp xúc mầm bệnh đến khởi phát triệu chứng, khoảng 4-5 ngày và 97.5% bệnh nhân có triệu chứng sẽ có xuất hiện các triệu chứng trong vòng 11.5 ngày sau nhiễm khuẩn [12]. Các triệu chứng có thể bao gồm sốt, ho, đau họng, khó chịu và đau cơ. Một số bệnh nhân có các triệu chứng dạ dày ruột, bao gồm chán ăn, buồn nôn và tiêu chảy [13,14]. Mất khứu giác và mất vị giác cũng đã được báo cáo [15,16]. Trong một số loạt bệnh nhân nhập viện, khó thở xuất hiện trung bình từ 5 đến 8 ngày sau khi bắt đầu khởi phát triệu chứng [13,17]; sự xuất hiện của khó thở là gợi ý của tình trạng bệnh xấu đi.
Các yếu tố nguy cơ biến chứng của Covid-19 bao gồm tuổi già (ví dụ >65 tuổi), bệnh tim mạch, bệnh phổi mạn tính, tăng huyết áp, đái tháo đường và béo phì [17- 21]. Vẫn không rõ liệu có một số bệnh lý khác (bệnh thận, suy giảm miễn dịch, ung thư và nhiễm HIV không được kiểm soát) làm tăng nguy cơ biến chứng hay không, nhưng vì những tình trạng này có thể liên quan đến kết cục tệ hơn sau khi nhiễm các tác nhân gây bệnh đường hô hấp khác nên cần phải theo dõi chặt chẽ bệnh nhân Covid-19 đồng mắc những tình trạng này.
Kết quả xét nghiệm ở bệnh nhân nhập viện có thể bao gồm giảm lympho và tăng nồng độ d-dimer, lactate dehydrogenase, CRP và ferritin. Tại thời điểm nhập viện, nồng độ procalcitonin thường là bình thường. Các dấu hiệu liên quan đến kết cục xấu trong một số loạt trường hợp được báo cáo bao gồm tăng bạch cầu với giảm lympho, thời gian prothrombin kéo dài và tăng men gan, lactate dehydrogenase, d-dimer, interleukin-6, CRP và procalcitonin [13,19,22-24]. Khi có sự bất thường trên hình ảnh, những dấu hiệu điển hình là dạng kính mờ hoặc đông đặc [25].